Theo đó, phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản cụ thể như sau:
1. Than năng lượng: 02 khu vực.
2. Quặng apatit: 02 khu vực.
3. Quặng chì - kẽm: 01 khu vực.
4. Quặng cromit: 03 khu vực.
5. Quặng titan: 14 khu vực.
6. Quặng bauxite: 23 khu vực.
7. Quặng sắt-laterit: 14 khu vực.
8. Đá hoa trắng: 17 khu vực.
9. Cát trắng: 15 khu vực.
10. Quặng đất hiếm: 02 khu vực.
Trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nêu trên, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.
Các Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước ngày 1/11/2023 mà không thuộc khoáng sản dự trữ nêu trên thì tiếp tục thực hiện theo nội dung giấy phép đã cấp và quy định của pháp luật về khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.
Tại tỉnh Đắk Nông, khu vực dự trữ khoáng sản quặng bauxit phân bổ gần như hầu hết ở các địa phương trong tỉnh như: Tp Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song.
Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được chính phủ Phê duyệt ban hành kèm theo tọa độ, diện tích, địa giới hành chính rất cụ thể, nên sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc phê duyệt, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Lê Đại