Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 268 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó chỉ có 76 công trình hoạt động, số còn lại đã ngừng hoạt động nhiều năm.
Do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên hầu hết các công trình này đều đang trong tình trạng hư hỏng, gây lãng phí lớn tài sản công trong khi nhu cầu về nước sạch của người dân là rất lớn, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bất cập lớn nhất hiện nay là các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa ban hành được định mức kinh tế, kỹ thuật cũng như phương án giá nước sạch nông thôn nên chưa có cơ sở để tính toán chi phí vận hành cũng như duy tu, bảo dưỡng các công trình này.
Phát biểu tại cuộc họp, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị, địa phương trong việc chậm chễ ban hành giá nước sạch nông thôn và xây dựng các chính sách về nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt với vai trò là đơn vị tham mưu, Sở NN&PTNT đã chậm chễ trong công tác xây dựng các văn bản và chính sách về giá nước sạch; chưa chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến việc thẩm định, trình phê duyệt, xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, với tinh thần, trách nhiệm trước nhân dân, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện phương án giá theo đúng quy định.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất để giải quyết tình trạng lãng phí tài sản công đối với các công trình nước sạch tập trung nông thôn như hiện nay.
Hải Thanh – Minh Tiền