Xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô là 1 trong những địa bàn chịu tác động nặng nề của tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô những năm qua. Tại đây, cây trồng của người dân, nhiều công trình giao thông nội đồng, thuỷ lợi và đất canh tác ven sông liên tục bị nuốt trôi. Có không ít đoạn tình trạng sạt lở đã lấn sâu và mở rộng tới 20m so với trước đây, và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo chính quyền huyện Krông Nô, tình trạng sạt lở kéo dài thời gian qua dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại phức tạp, trong khi ngành chức năng địa phương chưa thể xác định được trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.
UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở TN&MT lập đoàn khảo sát, phối hợp với tỉnh Đắk Lắk xác định rõ nguyên nhân sạt lở bờ sông Krông Nô, xác định trách nhiệm các bên liên quan để sớm thực hiện đền bù thiệt hại cho người dân.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 23 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Trước tình hình này, đầu tháng 4/2024, Đoàn công tác của Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk cùng UBND huyện Krông Nô đi khảo sát thực tế dọc tuyến sông.
Các vị trí đoàn tiến hành khảo sát là những điểm đã, đang sạt lở nghiêm trọng và những đoạn sông đang được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát.
Sông Krông Nô là “mạch nguồn” của nhiều cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng và 2 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng nói chung. Không chỉ cung cấp nguồn nước tưới dồi dào, hàng năm tuyến sông còn bồi đắp lượng phù sa quý báu để người dân canh tác, phát triển nông nghiệp.
Chính vì vậy, các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến bờ sông Krông Nô cần phải thực hiện nghiêm túc nhằm bảo vệ nguồn đất, nguồn nước và môi trường sống cho cộng đồng dân cư dọc tuyến sông./.
H’Loan- Xuân Trí