Trong năm 2024, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh được bố trí vốn đầu tư xây dựng cho 21 dự án là trên 809,1 tỷ đồng, gồm: nguồn ngân sách trung ương gần 627,2 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương gần 112 tỷ đồng; vốn ODA 70 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến 30/10 là trên 271,7 tỷ đồng, đạt 33,6%.
Tại cuộc họp, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã báo cáo chi tiết 8 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh; dự án quảng trường trung tâm TP.Gia Nghĩa; dự án đường Đạo Nghĩa-Quảng Khê; dự án hệ thống kênh mương hồ Nam Xuân….
Các dự án giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là về đất đắp, giải phóng mặt bằng… Cùng với việc nêu lên những khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện nay, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề xuất một số nội dung cần UBND tỉnh kết luận, chỉ đạo.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, giải ngân chậm tiến độ phần lớn vẫn là do yếu tố chủ quan. Thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sau cuộc họp này, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh chỉ đạo các phòng, ban thống kê tất cả 21 công trình do đơn vị làm chủ đầu tư; nguồn vốn tỷ lệ giải ngân, khó khăn, vướng mắc, đề xuất của từng công trình cụ thể gửi UBND tỉnh.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo trực tiếp những sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp thực hiện.
Ban QLDA phân công từng cá nhân và phải chịu trách nhiệm trước công trình, dự án được giao chậm trễ. Đơn vị phải giám sát kỹ càng tiến độ, chất lượng các nhà thầu. Dự án nào kém chất lượng, thẳng thắn phê bình một cách công khai không dấu diếm.
Ngô Lan-K’Muôi