Việt Nam hiện ghi nhận 910 loài thực vật có mạch làm thuốc, trong đó Đắk Nông có 71 loài. Đắk Nông có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển một số cây dược liệu trên quy mô lớn, đặc biệt là các cây dược liệu bản địa như Bách bệnh, Đảng sâm, Sa nhân… và một số cây dược liệu từ các tỉnh khác như: Kim ngân, Cúc hoa và các cây nhập nội có phổ sinh thái rộng như Bạch chỉ, Sinh địa…
Tại Đắk Nông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quản lý hơn 6.500 ha rừng và đất rừng. Đặc thù của rừng nơi đây là rừng thường xanh, được thiên nhiên ban tặng nhiều loài dược liệu và cây thuốc quý. Trong đó phải kể đến các loại cây như: thiên niên kiện, sâm cau, sâm alipas và nhiều loại nấm có giá trị khác.
Có nhiều sản vật quý, tuy nhiên theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, đây mới mới chỉ mang tính phát hiện. Để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Hiện nay, cùng với việc triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ mong UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, cùng các công ty dược liệu có những khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ đơn vị phát triển hiệu quả cây dược liệu dưới tán rừng.
Việc tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng để phát triển các loài cây dược liệu không chỉ phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh mà còn góp phần phát triển rừng một cách bền vững. Phát triển nuôi trồng dược liệu là giải pháp quan trọng hạn chế tối đa việc khai thác tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thực vật hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị 22, ngày 20/9/2017 về "Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh". UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2314 ngày 28/12/2021 về xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, đây là cơ sở để bảo tồn, khai thác, sử dụng và phát triển có hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh quy hoạch, phát triển trồng cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, nhất là trồng cây dược liệu dưới tán rừng; khuyến khích doanh nghiệp có năng lực liên kết đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm.
Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu nói chung và trồng cây dược liệu dưới tán rừng nói riêng là hướng đi đang được một số tỉnh miền núi phía Bắc đẩy mạnh thực hiện. Tại tỉnh Đắk Nông, để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững, cần sự quan tâm, phối hợp tích cực giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan, nhất là các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế và các nhà đầu tư, các công ty dược liệu.
Theo Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Từ thực tế trên, việc chủ động được nguồn dược liệu là rất cần thiết.
T/h: Ngô Lan-Văn Chinh