Cây dổi lấy hạt dùng để làm gia vị, loại hạt này còn được chiết xuất để lấy tinh dầu, hương liệu, dược liệu… Ngoài ra gỗ dổi còn được dùng đóng đồ mộc, đồ mỹ nghệ cao cấp.
Năm 2020, ông Nguyễn Trung Nam ở thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân (Krông Nô) trồng trên 6 ha dổi ghép. Sau hơn hai năm chăm sóc, đến nay cây dổi đã cho thu bói, giá bán hiện tại gần một triệu đồng đồng/kg quả khô.
Theo ông Nam, dổi vốn là giống cây lâm nghiệp nên rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Người trồng chỉ cần bón phân chuồng hoai mục một lần trong năm và cung cấp đầy đủ nước cho cây, nhất là vào thời điểm ra hoa đậu quả.
Dổi ghép trồng đến năm thứ 2 đã cho quả bói và năm thứ 4 bắt đầu cho thu chính, mỗi cây có thể cho thu hoạch từ 5-10 kg hạt dổi khô. Cây càng lâu năm, năng suất dổi càng cao. Để tiết kiệm diện tích đất trồng, ông Nam đã áp dụng biện pháp xen canh các giống cây khác nhau trên diện tích đất của gia đình. Với trên 6 ha đất canh tác, ông Nam đã trồng dổi lấy hạt xen cà phê, hồ tiêu, ngô…
Ông Nguyễn Trung Nam cho biết: “Cây dổi có chế độ chăm sóc riêng, khác với các loại cây trồng khác. Các loại phân bón như NPK, Kali thông thường sử dụng cho cây cà phê, cây ăn quả không thích hợp với cây dổi. Phân Kali đỏ, phân chuồng ủ hoai và một số loại phân chuyên dùng lại rất thích hợp cho cây dổi”.
Gia đình anh Lữ Văn Kéo, xã Nam Xuân (Krông Nô) cũng trồng trên 100 cây dổi ghép. Theo anh Kéo cây dổi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất cao. Theo anh Kéo, với khoảng cách trồng 9m x 9m/cây, khi tạo tán hợp lý thì cây dổi sẽ trở thành cây che bóng, chắn gió lý tưởng cho vườn cà phê.
Bà Trần Thị Thu Phương, Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho hay: “Cây dổi là loại cây trồng mới tại địa phương. Hiện cây dổi đang được ngành Nông nghiệp huyện theo dõi khả năng thích nghi, tiềm năng năng suất và chọn một số vườn để xây dựng mô hình khảo nghiệm. Huyện chưa khuyến khích nông dân phát triển đại trà".
Bà Phương cũng cho biết thêm, Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô sẽ triển khai hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp tìm đầu ra ổn định cho người dân.
Hiện nay trên địa bàn xã Nam Xuân có hơn 20 ha dổi ghép. Để sản phẩm hạt dổi của người dân có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị thông qua sơ chế, chế biến tại chỗ, UBND xã Nam Xuân đã vận động các hộ trồng dổi tham gia, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Gia vị - Ẩm thực tại địa phương. Bước đầu, HTX đã sản xuất ra một số sản phẩm gia vị như muối dổi, hạt dổi sấy khô làm dược liệu dùng trong các bài thuốc cổ truyền của đồng bào Thái và được người tiêu dùng đón nhận.
Xem thêm chi tiết tại đây
Tuấn Bình – Văn Vân