Cơ duyên chị Mai Thị Thái gắn bó với cây trà hoa vàng là trong những lần đi tìm hiểu về cây dược liệu, chị thấy thương lái mua cây trà hoa vàng với giá khá cao, lên đến 1,6 triệu đồng/kg và thu gom tất cả rễ, cành, lá của cây. Vì thế mà cây trà hoa vàng ở nhiều địa phương trở nên khan hiếm và có nguy cơ biến mất. Chính vì lẽ đó, chị đã quyết định tìm mua giống đưa về trồng tại khu rừng dọc bờ suối Đắk Buk So.
Biết trà hoa vàng là loại dược liệu quý nên chị Mai Thị Thái đã sưu tầm về trồng dưới tán rùng
Chị Mai Thị Thái, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chia sẻ “Tôi thấy người dân đổ xô vào rừng săn lùng trà hoa vàng để bán cho người Trung Quốc với giá đắt đỏ, sợ bị mất giống nên sưu tầm di thực tất cả giống trà từ rừng về trồng dưới tán rừng này”.
Hiện nay, trong vườn của chị Thái có rất nhiều giống trà hoa vàng của các tỉnh thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Theo chị Thái, hiện Việt Nam có 95 loài trà bản địa, trong đó nhóm trà hoa vàng đang được quan tâm phát triển vì có giá trị cảnh quan và dược liệu cao. Trong tổng số 13 loài trà hoa vàng được phát hiện ở Tây Nguyên thì có 3 loài phân bố ở Đắk Nông. Do đó, việc xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng dưới tán rừng không chỉ giúp bảo tồn các giống trà bản địa, phát triển bền vững rừng, bảo vệ môi trường mà còn tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp.
Dưới tán rừng chị Thái đã sưu tầm, trồng, chăm sóc khoảng 100 loài trà hoa vàng của Việt Nam trong đó có giống bản địa quý hiếm
Chị Mai Thị Thái cho biết thêm: "Hiện tại tôi trồng được 100 loài trà hoa vàng để bảo tồn nguồn gen của Việt Nam, trong đó đã trồng được giống trà hoa vàng bản địa của Đắk Nông, cây bản địa khí hậu, thổ nhưỡng đã phù hợp nên rất dễ nhân rộng”.
Những năm qua, huyện Tuy Đức đã chú trọng triển khai kế hoạch phát triển cây dược liệu, trong đó có chương trình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Mô hình thử nghiệm trồng trà hoa vàng dưới tán rừng của chị Thái bước đầu đạt được thành công nhất định, Hội Nông dân tiếp tục theo dõi, hỗ trợ để mô hình này đạt hiệu quả.
Nhiều loài trà hoa vàng đã thích nghi với khí hậu, thỗ nhưỡng Đắk Nông
Theo các tài liệu khoa học, trà hoa vàng có chứa hàm lượng lớn hoạt chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ức chế phát triển virus HIV, phòng chống bệnh tim mạch.
Với những đặc tính tốt mà giống trà hoa vàng mang lại, hiện nay, Công ty TNHH MTV Mai Thái Tây Nguyên do chị Thái đại diện đã xây dựng Đề tài khoa học cấp tỉnh về “Xây dựng mô hình phát triển cây trà hoa vàng bản địa gắn với du lịch sinh thái tại huyện Tuy Đức”. Theo đó, trong 3 năm đầu, doanh nghiệp Mai Thái Tây Nguyên sẽ tiến hành điều tra thành phần loài, đặc điểm sinh học, sinh thái các loài trà hoa vàng phân bố ở tỉnh Đắk Nông.
Một giống trà quý chị Thái sưu tầm, và trồng dưới tán rừng cho màu sắc và độ tươi đặc biệt
Công ty TNHH MTV Mai Thái Tây Nguyên cũng sẽ tập trung phân tích các hợp chất cơ bản trong các các loài trà hoa vàng. Cùng với đó là khảo nghiệm và nhân giống từ 1 – 2 loài triển vọng, xây dựng 2 mô hình trồng dưới tán rừng cũng như sản xuất từ 1 – 2 dòng sản phẩm từ nguyên liệu trà hoa vàng. Đồng thời, công ty sẽ xây dựng vườn cảnh quan, quảng bá sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Những mầm hoa vươn lên đầy sức sống, cho thấy kết quả sưu tầm, bảo tồn gen của chị Thái đã bước đầu hiệu quả
Xem thêm chi tiêt tại đây:
Tuấn Bình – Thành Lam