Tại huyện Tuy Đức, tổng mức kinh phí để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 296,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 276 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 20 tỷ đồng. Năm 2022 và 2023, huyện Tuy Đức được phân bổ trên 156,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đến nay, Tuy Đức mới chỉ thực hiện giải ngân tổng kinh phí năm 2022 là hơn 8,2 tỷ đồng, đạt 19,1% so với kế hoạch. Năm 2023 đang triển khai, phân vốn theo quy định.
Theo UBND huyện, nguyên nhân giải ngân các nguồn vốn đạt thấp là do nhiều Tiểu dự án, dự án chưa có các Văn bản quy định về định mức, hình thức thực hiện thanh quyết toán, hoặc có quy định nhưng đến gần hết năm 2022 mới có, dẫn đến việc triển khai thực hiện chậm. Đặc biệt đối với dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, địa phương không có quỹ đất công nên việc hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc do nằm trong vùng quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản bauxite, quy hoạch 3 loại rừng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến đề nghị huyện Tuy Đức tập trung chỉ đạo UBND các xã, các phòng chuyên môn linh hoạt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án thuộc Chương trình với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trên tinh thần làm vì nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến đề nghị địa phương cũng như các sở, ngành liên quan phải có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.
Đặc biệt, địa phương cần giải quyết triệt để việc cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân. Các dự án dạy nghề, chuyển đổi nghề cần phải được thực hiện phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương.
Đối với các văn bản còn vướng mắc, các sở, ngành liên quan nghiên cứu để sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai và hồ sơ thanh toán, quyết toán đối với nguồn vốn đầu tư thuộc Dự án, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện tại địa phương.
Ngoài ra, địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi. Chấp hành nghiêm việc đối ứng nguồn vốn trong thực hiện các chương trình tại địa phương./.
T/h: Hoàng Hoa – Xuân Cảnh