Tuy Đức là huyện có diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Không chỉ được thiên nhiên ban tặng thác nước hùng vĩ, điểm nổi bật của rừng Nam Tây Nguyên là có quần thể cây bằng lăng, cây đa, với tuổi đời hàng trăm năm và đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Nơi đây còn có nhiều loài động, thực vật, trong đó hơn 500 loài cây thuốc và 20 loài cây dược liệu quý có tên trong "sách đỏ" Việt Nam. Ngoài ra, có 300 ha rừng thông đã khép tán, đặc trưng dưới tán rừng thông là có nhiều bãi cỏ đẹp, thích hợp cho hoạt động dã ngoại, cắm trại.
Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý khu vực rừng rộng hơn 26 ngàn ha, tiếp giáp với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Theo phương án quản lý rừng bền vững, phát triển du lịch sinh thái là một trong 4 trụ cột của công ty. Hiện nay, cùng với việc đầu tư một số hạng mục công trình, đơn vị mời gọi các tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết thuê môi trường rừng để phát triển du lịch ở các khu vực có lợi thế.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Với tầm nhìn du lịch trong 10 năm, công ty bước đầu xây dựng cơ sở hạ tầng và vị trí cảnh quan. Nguồn lực hiện tại còn hạn chế nên công ty huy động nguồn lực tư nhân gắn kết phát triển dần dần. Xác định sau khi cao tốc Bình Phước - Đắk Nông hoàn thành trong năm 2025, chúng tôi xây dựng được các tuyến, tour để thu hút khách du lịch trong tương lai”.
Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có trên 6.300 ha rừng tự nhiên và 117 ha rừng trồng. Cũng như rừng Nam Tây Nguyên, nơi đây có thác nước và nhiều cánh rừng tự nhiên tuyệt đẹp. Theo phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt, đơn vị được tổ chức xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích 113 ha.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, huyện Tuy Đức, Đắk Nông thông tin thêm: “Vừa qua có đơn vị đã khảo sát một số điểm, đơn vị sẽ cùng hợp tác với công ty khảo sát cụ thể hơn nhằm phát triển bền vững, lâu dài làm sao phát huy nội lực của rừng đảm bảo sinh thái và môi trường của rừng tiến tới môi trường xanh”.
Du lịch sinh thái dưới tán rừng là mô hình du lịch xanh đang được tỉnh quan tâm đầu tư nhằm quản lý, bảo vệ rừng và phục vụ công tác phát triển du lịch bền vững. Mô hình này giúp người dân và du khách tiếp cận các dịch vụ du lịch sinh thái với chi phí thấp.
Với nhiều lợi thế, tiềm năng, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ và một số chủ rừng khác trên địa bàn huyện Tuy Đức đang phối hợp kêu gọi xúc tiến đầu tư phát triển du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.
Nói về cơ hội đầu tư loại hình du lịch này, Thượng tá Nguyễn Văn Huệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726, Binh đoàn 16, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho rằng: “Chính sách phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông là ưu tiên phát triển du lịch sinh thái kết hợp cắm trại. Các đơn vị chủ rừng bên cạnh đây là Bù gia Mập hàng năm kinh doanh du lịch sinh thái mang về doanh thu 6-7 tỷ đồng. Do vậy, tôi cho rằng Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ nếu kêu gọi thu hút đầu tư vào kinh doanh du lịch sinh thái sẽ có nhiều cơ hội phát triển”.
Hy vọng, khi được đầu tư đưa vào khai thác du lịch, rừng Nam Tây Nguyên, rừng Thác Mơ và một số cánh rừng khác trên địa bàn huyện Tuy Đức sẽ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, nhất là những du khách thích trải nghiệm, khám phá và nghiên cứu về thiên nhiên.
Ngô Lan-Văn Chinh