Sáng 30/5, liên quan đến vụ việc bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) chia sẻ đây là vụ việc rất đau lòng.
Theo bà Nga, trong thời gian học sinh đến trường mà xảy ra sự việc gì thì trách nhiệm đầu tiên là của nhà trường. Đặc biệt, em học sinh lại tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường nên nhà trường không thể chối bỏ trách nhiệm. Ngoài ra, những người như lái xe cũng phải có trách nhiệm.
Bà Nga cho rằng, nhiều lái xe chưa làm đúng quy trình đưa đón học sinh. Sau khi nhận học sinh và trả học sinh, lái xe nên kiểm tra xe xem còn cháu bé nào không, cháu nào còn ngủ quên không… Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc đau lòng này.
Trước việc dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đưa ra quy định về xe đưa đón học sinh, đại biểu Nga cho biết: "Chúng ta bàn ở tiêu chuẩn, quy chuẩn của xe đưa đón học sinh; còn về quy trình thì nằm ở các quy định khác. Xe đưa đón học sinh đương nhiên phải thực hiện quy trình để đảm bảo an toàn đưa đón học sinh".
Về vấn đề Quốc hội có nên giám sát chặt mô hình xe dịch vụ, chế tài quản lý và trách nhiệm của trường học, địa phương với mô hình này, bà Nga cho rằng, nếu vấn đề nào cũng đưa ra Quốc hộ giám sát tối cao thì không hợp lý, bởi vì không có thời gian, nguồn nhân lực tổ chức.
Tuy nhiên, tùy vào tình hình của các địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành có thể giám sát về vấn đề này.
Ví dụ như Hà Nội, TP.HCM có nhu cầu dùng xe đưa đón rất lớn thì có thể tổ chức giám sát, còn đối với một số tỉnh không có loại hình này thì không cần thiết bởi không có đối tượng giám sát.
"Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến nội dung này, đặc biệt là với những địa phương từng xảy ra vụ việc đau lòng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt trong việc này để đảm bảo an toàn cho học sinh", đại biểu Nga nhấn mạnh.
Nhà trường vốn được coi là nơi an toàn cho con trẻ mà bây giờ xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, tai nạn học đường là đáng báo động. Qua vụ việc này, đại biểu đề nghị cần phải có sự quan tâm, chú trọng hơn, tạo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ em.
Bà Nga cũng lưu ý, ngay cả vấn đề trẻ em trên không gian mạng cũng chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo vệ, trẻ em vẫn bị bạo hành, xâm hại, vẫn bị ảnh hưởng mặt trái của mạng xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhận định vụ việc cháu bé ở Thái Bình là rất đau xót, đáng tiếc.
Theo ông Hạ, trách nhiệm trước hết của người lớn, người đưa đón, cô giáo chủ nhiệm... "Có một điều đáng nói, mỗi khi xảy ra sự việc chúng ta lại ngồi kiểm điểm nhau, nhưng đó là một mạng người. Thực sự cá nhân tôi cảm thấy rất bức xúc...", ông Hạ nói.
"Khi xảy ra các sự việc như thế này, chúng ta phê phán, nhắc đến người trực tiếp liên quan nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm của cả người đứng đầu cơ sở giáo dục đó", ông Hạ nêu quan điểm.
Theo đại biểu Hạ, người đứng đầu phải thường xuyên nhắc nhở, thậm chí phải lựa chọn cả những người đi đón trẻ phải đảm bảo các tiêu chuẩn, trách nhiệm, chu đáo, có tâm lý tốt.
Với lái xe cũng phải chọn người không chỉ đảm bảo an toàn trên đường mà còn đảm bảo cả việc kiểm tra, an toàn sau khi đến trường. Nhưng thực tế, việc này chưa được quan tâm, chưa được quán triệt một cách triệt để.
Đại biểu chỉ rõ sau vụ việc cháu bé tử vong trên xe đưa đón ở Hà Nội vào năm 2019, đã thấy rõ trách nhiệm của lái xe và người được phân công đưa đón. Đồng thời, đã xử lý hình sự với những người liên quan nhưng có lẽ việc xử lý chưa nghiêm khắc, triệt để, vẫn chưa đủ răn đe.
Vì vậy, ông Hạ đề xuất phải tăng cường, bổ sung hình phạt để đủ tính răn đe, cùng với đó, bổ sung các quy định liên quan tiêu chuẩn của người được phân công đưa đón, giáo viên liên quan việc này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này cũng đã có quy định về xe đưa đón học sinh.
Dự thảo quy định khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe...
Liên quan đến đề xuất lắp camera giám sát trong các xe đưa đón, ông Hạ cho rằng "nếu làm được thì quá tốt".
Theo vietnamnet.vn