Buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình công tác năm của UBND tỉnh; kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành từ năm 2021 đến nay, gồm nông-lâm nghiệp, công tác khuyến nông, thủy lợi, lĩnh vực phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn duy trì ở mức khá. Toàn tỉnh xây dựng được 4/20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích trên 2.423 ha. Sở đã trình UBND tỉnh đề xuất công nhận thêm 3 vùng với diện tích 1.133 ha.
Trên địa bàn tỉnh có trên 87 ngàn ha cây trồng các loại ứng dụng một phần công nghệ cao với sản lượng trên 420 ngàn tấn/năm. Hiện toàn tỉnh có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao.
6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới ước đạt 83,55%; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,3%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,07%. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 40/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí.
Buổi làm việc đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: chưa có chính sách hỗ trợ 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận để phát triển bền vững và nổi bật so với các khu vực xung quanh; việc xây dựng trung tâm tâm giống cây trồng gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Sở NN và PTNT, sản xuất liên kết còn thấp, chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết phục vụ thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm.
Thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa có doanh nghiệp vững mạnh để chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Tình trạng phá rừng vẫn còn xảy ra tại một số huyện như Đắk Glong, Đắk Song... Việc xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, đấu giá cho thuê rừng, xử lý bồi thường thiệt hại về rừng còn gặp nhiều khó khăn…
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành liên quan công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng nông thôn mới; thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp. Đồng thời đề nghị tập thể lãnh đạo Sở cần có sự thống nhất, đoàn kết, quyết tâm cao hơn trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu; phải quan tâm đến việc triển khai các nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các chương trình về vốn sự nghiệp giải ngân chậm, làm sao để dùng vốn hiệu quả trong thực tiễn để người dân hưởng lợi.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị Sở NN và PTNT chủ động rà soát lại tất cả các tồn đọng, vướng mắc của ngành và xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể. Những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cần phải báo cáo, đề xuất cấp trên xem xét, tháo gỡ.
Mỗi cán bộ, nhân viên đề cao trách nhiệm, cầu thị trong từng công việc cụ thể, nhất là tạo bước phát triển cho các lĩnh vực như khuyến nông, hợp tác xã, giống cây trồng, vật nuôi. Đây được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu để tái cơ cấu ngành NN-PTNT hiệu quả, nhất là đối với các loại cây chủ lực, tiềm năng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tập thể lãnh đạo, nhân viên Sở NN và PTNT phải phát huy tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, cùng phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ngô Lan-K’muôi