Hoạt động này nhằm Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) 2004-2024, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của CVĐC trong thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có: bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học - Công nghệ; Viện trưởng Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Việt Nam Trịnh Hải Sơn...
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐCTC UNESCO (2004 - 2024).
Đến nay, Mạng lưới CVĐCTC UNESCO đã có 213 công viên ở 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một hành trình đầy tự hào, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản địa chất, giáo dục cộng đồng và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tự hào là một trong những thành viên của mạng lưới với những giá trị độc đáo về địa chất, văn hóa và hệ sinh thái.
Việc UNESCO tái công nhận danh hiệu “CVĐCTC UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024 - 2027 không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của tỉnh mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục hành trình phát triển bền vững, gắn kết các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên với sự bền vững của cộng đồng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Hội thảo khoa học nhằm thảo luận và làm rõ hơn mối quan hệ giữa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao đánh giá cao việc UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội thảo khoa học về CVĐCTC
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tìm ra các sáng kiến và giải pháp sáng tạo để thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc tại Đắk Nông.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh tin tưởng, hội thảo này sẽ là một diễn đàn quý giá để chia sẻ tri thức, sáng kiến và tầm nhìn. Đặc biệt, đây là dịp để mở rộng kết nối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm khai thác tối đa tiềm năng của CVĐC, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục, hướng tới xây dựng một cộng đồng trẻ có trách nhiệm và ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
PTD NEWS