Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, các địa phương vùng Tây Nguyên đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn làm căn cứ, cơ sở thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Năm 2024, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 5 tỉnh Tây Nguyên tổng số vốn trên 5.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là hơn 3.423 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.118 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng, đạt trên 36% kế hoạch (bao gồm cả vốn đầu tư của các năm trước kéo dài sang năm 2024).
Theo đánh giá của ngành chức năng, quá trình thực hiện 3 Chương trình MTQG trong 7 tháng đầu năm 2024 tại vùng Tây Nguyên đã có nhiều thuận lợi thông qua việc triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15. Qua đó, kết quả giái ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình MTQG năm 2024 đạt tỷ lệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của vùng Tây Nguyên vẫn còn rất thấp.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại nhiều kết quả thiết thực cho các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, đến nay khu vực Tây Nguyên có khoảng 373 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt khoảng 16 tiêu chí/xã. Có 10 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về hộ nghèo, năm 2024 các tỉnh trong vùng ước giảm 3-4% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều so với năm 2024.
Tại hội nghị, kiến nghị với Đoàn công tác Chính phủ, đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, bên cạnh những thuận lợi, Đắk Nông có những khó khăn khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là số công trình, dự án vướng quy hoạch bô xít nên không thể triển khai, đề xuất xin chuyển nguồn qua các dự án khác. Việc thống kê hộ nghèo thụ hưởng có thay đổi so với thời điểm thống kê năm 2021 nên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất cơ chế chuyển nguồn thụ hưởng cho hộ cận nghèo.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận ý kiến của lãnh đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên và các bộ, ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng đề nghị, các tỉnh cần tích cực triển khai thực hiện và đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư đã bố trí trong năm 2024, không xin thêm ngân sách của Trung ương để thực hiện các chương trình này. Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 đã tháo gỡ rất nhiều những khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện, nếu gặp những khó khăn, vướng mắc gì thì các tỉnh làm báo cáo gửi về Văn phòng Chính phủ, Chính phủ sẽ đề nghị các bộ, ngành trả lời, hướng dẫn đầy đủ, vấn đề gì vượt thẩm quyền các bộ, ngành thì Phó Thủ tướng sẽ trả lời đầy đủ, nhanh chóng giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn./.
Bảo Ngọc – Văn Chinh